THỊNH VƯỢNG TÀI CHÍNH TUỔI 30 tập II

Cuốn sách này mình đã mua rất lâu rồi và cũng đã đọc rất lâu có thể là lúc mình vừa ra trường vài năm… tính đến giờ đã hơn 10 năm rồi. Nay lôi ra đọc lại thực sự nhiều cảm xúc và cảm nhận được từng con chữ mà tác giả viết, vì mình đối chiếu nó thực sự giống với những gì đang diễn ra trong tình hình kinh tế khó khăn chung hiện tại, giữa tình cảnh những người mất việc làm mà trước giờ vẫn được xem là rất rất ổn định…

Mình xin note lại và chia sẻ những điểm quan trọng cần nhớ và chú ý áp dụng trong cuộc sống của mình:

Nếu không dám nhìn thẳng vào vấn đề tài chính của bản thân thì tình hình có thể xấu đến mức không cứu vãn được. Việc quá thiếu hiểu biết, không biết cách quản lý chi tiêu dẫn đến việc tiền ngày càng chiếm vị thế cao hơn trong cuộc sống.
Không thể xem đầu tư bằng các khoản nợ là một cách đầu tư đúng đắn, có thể trong khoản thời gian ngắn, nó mang lại lợi nhuận nhưng về lâu dài vẫn chỉ là thua lỗ.
Chi tiêu vượt quá điều kiện kinh tế của mình cũng nguy hiểm giống như say rượu lái xe. Muốn được tự do về mặt tài chính trước hết phải giải quyết hết các khoản nợ. Các khoản nợ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của bạn. Đừng tiêu xài hoang phí để rồi mắc nợ.

Khi chưa có đủ khả năng mà có được thứ mình muốn, đấy chính là sai lầm của xã hội chúng ta, nó tạo ra một nhóm người ỷ lại vào chi tiêu trả góp, chỉ riêng số nợ đó đã là một con số lớn, khi những khoản nợ đó sinh lời thì nó sẽ tăng với tốc độ chóng mặt và kết quả là con người trở thành nô lệ của đồng tiền, rất khó có cơ hội ngóc đầu lên được.

Giải quyết vấn đề tài chính bằng cách giải quyết các khoản nợ (nhưng trước hết lưu ý không làm nảy sinh nợ mới, phải bịt lỗ thủng lại, phải kiềm chế mua sắm ngay cả khi phải mang nợ). Tìm hiểu tình hình từng khoản nợ của mình, tại sao lại có khoản nợ này, trong khoản nợ đó tiềm ẩn nguy cơ gì, sau đó trả từng khoản một. Cái gốc của quản lý chi tiêu là thanh toán các khoản nợ trong thời gian ngắn nhất và không làm nảy sinh nợ mới.

  1. Vay nợ mua nhà: nguyên tắc 30%. Khi mua nhà lựa chọn căn phù hợp với tài chính của mình, vay nợ vượt quá khả năng chi trả là điều nguy hiểm nhất. Nếu vay nợ thế chấp để mua nhà thì cả vốn lẫn lãi phải trả mỗi tháng không được vượt quá 30% thu nhập mỗi tháng. Nếu có thể nhanh chóng trả hết khoản nợ đó trong một thời gian ngắn.
  2. Mua xe: hãy suy nghĩ kỹ. Nếu không suy tính đến năng lực kinh tế của mình, mua xe trả góp hay thuê, thì chính hành động đó đã chặn con đường làm giàu. Khi suy tính mua xe, những người giàu có thường chọn xe tương đương với tình hình tài chính của mình và sử dụng trong thời gian dài, đây chính là bí quyết thành công của họ.
  3. Thanh toán tín dụng theo giai đoạn: Một cái bẫy. Lý do tồn tại duy nhất là ở mục đích tạo ra các khoản nợ. Chính vì có thẻ tín dụng đứng sau lưng yểm trợ nên khi đến trung tâm mua sắm chúng ta mới lãng phí như vậy. Những lần mua sắm như vậy tích luỹ lại sẽ thành một món nợ lớn, đè nặng lên vai, một khi có nợ thẻ tín dụng chúng ta sẽ mất tự tin với đồng tiền, có cuộc sống không có kế hoạch và cuối cùng chúng ta phải kiếm tiền bạt mạng để trả những khoản nợ và lãi đó, mơ ước của chúng ta thì ngày một xa dần. Hình thức trả góp miễn lãi suất 3 tháng chắc chắn không thể giúp bạn trở thành triệu phú, ngược lại quan niệm này sẽ khiến bạn rơi vào cái bẫy tiêu dùng.
  4. Hiệu ứng đòn bẩy của nợ nần: Rủi ro lớn hơn nhiều lợi ích. Nguyên tắc cơ bản nhất trong đầu tư cổ phiếu là phải sử dụng tiền nhàn rỗi, chứ không phải vay tiền để chơi. Hãy vứt bỏ ý nghĩ ngu xuẩn “dùng tiền của người khác để kiếm tiền” đi, xin hãy ghi nhớ nguyên tắc đầu tư bắt buộc phải sử dụng tiền nhàn rỗi.

Xây dựng dự toán chi tiêu – bước đầu tiên để trở thành người giàu có. Xin hãy nhớ một điều không có phép thực hiện những khoản chi ngoài dự toán. Thông qua việc lập dự toán chi tiêu theo tháng, mỗi khoản chi đều được quy định bởi một khoản cụ thể, điều này giống với việc đánh số cho các khoản tiền, để chúng phục tùng theo mệnh lệnh của cậu, như vậy tiền sẽ hoàn toàn nghe theo sự điều khiển của cậu mà không chạy lung tung, chỉ có kiểm soát được tiền, cậu mới có thể làm chủ cuộc sống của mình. Tuân thủ nguyên tắc “chi ít hơn thu”, không được có cuộc sống nợ nần, sau khi lập dự toán xong cho dù phải thắt lưng buộc bụng cũng không được lạm chi, dùng số tiền dôi ra mỗi tháng để tiết kiệm hoặc đầu tư chính là một cách làm giàu.

Nguyên tắc trả nợ 70:30. Số tiền dư ra mỗi tháng sẽ dùng 70% trả nợ và 30% cho việc tiết kiệm. Bắt đầu trả hết các khoản nợ nhỏ sau đó đến khoản nợ lớn để có động lực. Thay đổi nhà, xe phù hợp hơn với tình hình tài chính, phần dôi ra để trả bớt nợ. Cần tận dụng thời gian ngoài giờ làm để gia tăng thu nhập. Dành ra 5-8% tổng thu nhập để đầu tư cho các loại bảo hiểm y tế, tai nạn, bệnh tật, trọn đời… có những loại bảo hiểm này cho dù bệnh tật hay tai nạn cũng đều rất khó lấy đi hạnh phúc của cậu và gia đình cậu.

Nếu như chưa được chuẩn bị trước, những lo lắng cho cuộc sống sau khi về hưu sẽ trở thành hiện thực. Trở ngại lớn nhất để chuẩn bị đủ tiền dưỡng già chính là bỏ lỡ thời cơ. Nếu như bạn chuẩn bị đủ các khoản tiền bảo hiểm, tiền dưỡng già và tài sản đầu tư cho cuộc sống tương lai thì chắc chắn bạn sẽ không bao giờ thấy thiếu tiền. “Cho dù vui vẻ hiện thời, cũng đừng quên mất tuổi già thê lương! Nếu không chuẩn bị kịp thời, về già hối hận đã không kịp rồi!” Học cách lợi dụng những khoản tiền nhàn rỗi để tạo ra hiệu quả lãi suất kép.

Tích luỹ “ba tài sản lớn” trong cuộc đời: tài sản bảo đảm (bảo hiểm là một loại tài sản xuất sắc đủ có thể bù đắp tổn thất về kinh tế khi chúng ta gặp phải biến cố trong tương lai – nên bỏ ra 5-8% thu nhập để làm tài sản bảo đảm), tài sản dưỡng già (để ra 15% thu nhập mỗi tháng làm tài sản dưỡng già), tài sản đầu tư (nhà cửa để chúng ta sinh sống, tiền học của con cái, chi phí cưới xin cho con, khoản tiền nhàn rỗi… _ chỉ những tài sản có thể sử dụng và không hề liên quan đến các khoản nợ). Các bạn phải nhớ một điểm này tài sản bảo đảm và tài sản dưỡng già là hai tài sản quan trọng mà chúng ta bắt buộc phải chuẩn bị, cho dù chúng ta có đang trả nợ cũng không được coi nhẹ khoản tiền này, tài sản đầu tư là thứ tài sản chúng ta phải chuẩn bị sau khi trả hết mọi khoản nợ nần. Nếu chẳng may bạn bị mắc bệnh hiểm nghèo hoặc từ giã cõi đời này, tài sản bảo đảm có thể bảo vệ cả gia đình bạn; nếu sau khi nghỉ hưu bạn mất đi thu nhập cố định thì tài sản dưỡng già và tài sản đầu tư có thể bảo vệ chính bản thân bạn. Chuẩn bị tốt “ba tài sản lớn” với điều kiện không còn nợ nần, cuộc sống của bạn sẽ hạnh phúc hơn nhiều so với bất kỳ một triệu phú nào. Muốn được thành công trong đầu tư phải lựa chọn cổ phiếu bluechip để tiến hành đầu tư dài hạn.
Nếu không học cách nhẫn nại, thành công sẽ không bao giờ chủ động đến gõ cửa nhà bạn. Lãi suất kép giống như thực vật lấy thời gian là chất dinh dưỡng, khi mới sinh trưởng có thể tốc độ của nó rất chậm nhưng sau một thời gian nó sẽ sinh trưởng với một tốc độ rất nhanh và sẽ ngày càng nhanh hơn. Đầu tư dài hạn vô cùng quan trọng, nếu bỏ cuộc giữa đường chắc chắn sẽ mất cả gốc lẫn lãi. Liên tục đầu tư tiền bạc mới là điều cơ bản nhất, hành vi đầu tư luôn phải có tính liên tục và tính nhẫn nại.

Cố lên Hương ơi! You can do it! Fighting!
SG 09.06.2023

Leave a comment

Your email address will not be published. Required fields are marked *